Các sản phẩm, dịch vụ tiện ích từ dữ liệu: Ba trụ cột dữ liệu

Trong quá trình triển khai, Bộ Công an xác định 03 trụ cột dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia hiện nay gồm: (1) Định danh con người; (2) Định danh tổ chức, doanh nghiệp; (3) Định danh địa điểm.

Ba trụ cột này được tạo lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu khác, từ đó từng bước hình thành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia tại TTDLQG lưu trữ dữ liệu từ nhiều nguồn: cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và dữ liệu khác.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Trung tâm dữ liệu quốc gia tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu cơ bản (cơ sở dữ liệu lõi) cho 03 trụ cột chính là (1) Con người; (2) Cơ quan, tổ chức; (3) Địa điểm (trên cơ sở dữ liệu về địa chỉ, cơ sở dữ liệu về địa chính, cơ sở dữ liệu về địa lý). Các CSDL cơ bản tập trung dữ liệu đã được làm sạch, xác minh của nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo thành một khối thông tin nhất quán, tròn vẹn về một đối tượng cụ thể (con người, tổ chức, địa điểm). CSDL cơ bản cung cấp cái nhìn toàn cảnh về đối tượng dữ liệu, phản ánh đầy đủ mọi mặt của một đối tượng, đáp ứng nhu cầu chia sẻ, khai thác thông tin, liên kết, kiểm soát chéo, giám sát thống nhất giữa các nghiệp vụ, đồng thời hỗ trợ phát triển và cung cấp các sản phẩm dịch vụ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ.

Theo yêu cầu quản trị, bảo vệ, xử lý, sử dụng dữ liệu, CSDL tổng hợp quốc gia được thiết kế chia theo các phân kho:
  • Kho dữ liệu dùng chung: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công; phục vụ tiếp cận, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
  • Kho dữ liệu tổng hợp: phục vụ công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
  • Kho dữ liệu mở, Kho dịch vụ dữ liệu có thu phí: đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng của cá nhân, tổ chức, phục vụ phát triển kinh tế dữ liệu, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập dữ liệu gia tăng, tạo ra giá trị mới cũng như đóng góp cho cộng đồng.
  • Kho dữ liệu phục vụ hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi dữ liệu xuyên biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia.
  • Kho dữ liệu mật: lưu trữ, quản lý dữ liệu mật theo các cấp độ và áp dụng các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước khi đưa vào phân tích.

Dữ liệu được phân loại là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định tại Luật dữ liệu. Đối với dữ liệu cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.