Lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp và Trung tâm dữ liệu quốc gia làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc về Luật Dữ liệu
20/03/2025 377 Tin nội bộ
Ngày 18/3/2025 tại Hà Nội, Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp và Trung tâm dữ liệu quốc gia đã có buổi tiếp đón đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm thảo luận về các nội dung liên quan đến Luật Dữ liệu và các chính sách quản lý dữ liệu trong thời đại số.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp đồng chủ trì cùng đồng chí Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia.
Phía Đại sứ quán Hàn Quốc gồm có: Ông Yang Ki Sung - Tham tán Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Ông Shin Cheol Beom - Bí thư thứ nhất; Ông Kim Min Seok - Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp, Công nghệ Thông tin Hàn Quốc.
.jpg)
Tại buổi làm việc, đồng chí Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp đã nồng nhiệt chào đón đoàn Đại sứ quán Hàn Quốc đã dành thời gian đến thăm và làm việc với Bộ Công an Việt Nam. Hai bên đã cùng thảo luận về một số nội dung quan trọng trong Luật Dữ liệu của Việt Nam, bao gồm: Tiêu chí phân loại dữ liệu: Định nghĩa về dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng và danh mục cụ thể. Việc cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước: Điều kiện và phạm vi thực hiện. Chuyển dữ liệu xuyên biên giới: Các quy định quản lý việc luân chuyển dữ liệu ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư: Cơ chế đảm bảo tính an toàn cho dữ liệu cá nhân và dữ liệu quan trọng. Hoạt động trung gian dữ liệu: Điều kiện cung cấp dịch vụ, trách nhiệm của các tổ chức trung gian và các tiêu chí đánh giá dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu….

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thiếu tướng Phạm Công Nguyên đánh giá cao sự quan tâm của phía Hàn Quốc đối với Luật Dữ liệu và tiến độ xây dựng các nghị định hướng dẫn. Ông khẳng định: Luật Dữ liệu của Việt Nam không chỉ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, mà còn tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội. Dữ liệu được coi là tài nguyên quan trọng trong kỷ nguyên số, và Luật Dữ liệu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, thay vì đưa ra các rào cản hạn chế sự phát triển. Tuy nhiên, với các loại dữ liệu có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và cộng đồng, cần có những quy định chặt chẽ nhằm đánh giá tác động trước khi chuyển dữ liệu ra nước ngoài.
Đồng chí Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng nhấn mạnh: Việt Nam sẽ nâng cao mức đánh giá và giám sát chặt chẽ hơn đối với những dữ liệu nhạy cảm, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Việc cung cấp dữ liệu cho nhà nước sẽ tuân theo thông lệ quốc tế. Giống như Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác, Việt Nam quy định bốn trường hợp bắt buộc phải cung cấp dữ liệu: (1) Khi có tình trạng khẩn cấp; (2) Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; (3) Khi xảy ra thảm họa, thiên tai; (4) Khi phục vụ công tác phòng chống bạo loạn, khủng bố. Ví dụ: Trong đại dịch Covid-19, nhà nước yêu cầu người dân khai báo di chuyển để phục vụ phòng chống dịch bệnh. Luật Dữ liệu quy định rõ trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải mã dữ liệu trong các trường hợp phục vụ công cộng, bảo vệ quyền lợi cộng đồng, phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh quốc gia mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Điều kiện chuyển dữ liệu ra nước ngoài: Chuyển dữ liệu ra nước ngoài là vấn đề được nhiều tổ chức, doanh nghiệp quan tâm. Theo quy định mới: Bên chuyển dữ liệu tự đánh giá tác động, không cần chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền, Sau 30 ngày, hồ sơ phải được gửi tới cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, riêng dữ liệu cốt lõi bắt buộc phải được thẩm định và chấp thuận trước khi chuyển ra nước ngoài.
Về điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ dữ liệu: Việt Nam quy định người đứng đầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dữ liệu phải là người Việt Nam, nhằm đảm bảo họ am hiểu chính sách, pháp luật và chịu trách nhiệm trước chính quyền Việt Nam. Đây cũng là điều kiện áp dụng trong các ngành viễn thông, xác thực điện tử, giao dịch điện tử…
Đồng chí Thiếu tướng Phạm Công Nguyên khẳng định, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, Bộ Công an luôn đảm bảo đúng quy trình, công khai trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia quốc tế. Bộ cũng đang nỗ lực cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thay mặt đoàn Đại sứ quán Hàn Quốc, Ông Yang Ki Sung, Tham tán Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu từ phía Bộ Công an Việt Nam cũng như từ phía Trung tâm Dữ liệu Quốc gia và Cục
Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp dành cho Đoàn. Trên cơ sở đó, phía bạn mong muốn thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục hợp tác có hiệu quả về các nội dung đã trảo đổi, chia sẻ kinh nghiệm nêu trên.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên thêm hiểu rõ hơn về các chính sách quản lý dữ liệu của Việt Nam. Đồng thời, mở ra cơ hội hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định về dữ liệu, đảm bảo phát triển kinh tế số bền vững và an toàn./.